5 dự án trọng điểm ở TP HCM bị tắc

05-05-2021 06:50 

 

Sở Giao thông Vận tải TP HCM khẳng định có ít nhất 5 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn chậm tiến độ, gây ảnh hưởng đến sự phát triển chung của TP, đòi hỏi phải quyết liệt tháo gỡ

 

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, 5 dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ xuất phát từ các nguyên nhân vướng mặt bằng, vốn và thủ tục. Ðể gỡ vướng cho 5 dự án này, Sở GTVT TP HCM đã kiến nghị hàng loạt giải pháp gửi Sở Kế hoạch và Ðầu tư để sở này tổng hợp, trình UBND TP kiến nghị trung ương sớm giải quyết.

 

Cần gấp rút bố trí vốn cho đường Vành đai 3 và 4

 

Dự án chậm tiến độ được Sở GTVT đề cập đầu tiên là Vành đai 3. Theo Sở GTVT TP, đường Vành đai 3 dài hơn 90 km, đi qua TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai, Long An, được Thủ tướng phê duyệt 10 năm trước. Ðây là dự án trọng điểm quốc gia, giúp TP HCM phát triển, kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Toàn tuyến chia làm 4 đoạn, trong đó chỉ đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn (Bình Dương) dài 16 km hoàn thành.

 

Ðường Vành đai 3 hiện chỉ có đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước – Tân Vạn thuộc tỉnh Bình Dương), dài hơn 16 km, đã hoàn thành và đưa vào khai thác

Trong báo cáo mới nhất về tình hình thực hiện dự án, Sở GTVT TP HCM cho biết hiện đoạn 1 (Nhơn Trạch – Tân Vạn), với 2 dự án thành phần gồm 1A (từ Tỉnh lộ 25B đến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây) và 1B (từ cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây đến nút giao Thủ Ðức) đang gấp rút triển khai. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng tại 2 dự án thành phần được tách thành các tiểu dự án và giao địa phương tổ chức thực hiện các thủ tục trước khi thu hồi đất. Tuy nhiên, hiện nay chưa thể tiến hành vì thiếu vốn. Do đó, Sở GTVT TP kiến nghị đối với dự án thành phần 1A, đề nghị xem xét bố trí nguồn vốn trung ương đối với chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên. Ðối với dự án thành phần 1B, kiến nghị Bộ GTVT sớm tuyển chọn nhà đầu tư, triển khai khởi công trong quý III/2021 theo kế hoạch.

 

Ðối với đường Vành đai 4, để dự án sớm được triển khai, Sở GTVT tham mưu UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu toàn diện các nội dung về đường Vành đai 4, trong đó nghiên cứu tổng thể phương án, quy mô đầu tư, phân kỳ đầu tư, hình thức đầu tư, kết nối với các tuyến giao thông chính trong vùng. Ðồng thời, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét để có cơ chế hỗ trợ một phần vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho tuyến đường này theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 307/2020 của Văn phòng Chính phủ, sớm khép kín đường Vành đai 4. Ðường Vành đai 4 với chiều dài khoảng 198 km, đi qua địa bàn các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Ðồng Nai, Long An và TP HCM với tổng mức đầu tư dự kiến là khoảng 100.000 tỉ đồng.

 

Ga Bình Triệu, Thủ Thiêm chờ… Bộ GTVT

 

Ngoài những giải pháp để khép kín đường vành đai, Sở GTVT TP cũng tham mưu hướng giải quyết dự án ga Bình Triệu và ga Thủ Thiêm.

Sở GTVT cho rằng theo Quy hoạch điều chỉnh phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2013, đường sắt Bắc Nam khu vực TP HCM, đoạn từ Bình Triệu – Hòa Hưng thành đường sắt trên cao; các ga hành khách phía TP HCM gồm ga khách trung tâm (ga Sài Gòn hiện hữu với diện tích khoảng 6,14 ha) và ga Bình Triệu với diện tích khoảng 41 ha. Ðến nay, dự án ga Bình Triệu chưa triển khai dù Cục Đường sắt Việt Nam đã hoàn thành việc cắm mốc giới ngoài thực địa theo ranh quy hoạch đã được phê duyệt của ga Bình Triệu và bàn giao cho TP HCM quản lý. Lý do là trong phạm vi ranh quy hoạch ga Bình Triệu có nhiều tổ chức, hộ dân bị ảnh hưởng nên việc chậm thực hiện quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến việc ổn định đời sống của người dân.

 

Trước thực tế trên, theo Sở GTVT TP, tại cuộc họp ngày 26-3-2021, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình và Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã cơ bản thống nhất “Bộ GTVT chủ phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành liên quan xem xét cơ chế triển khai thực hiện công tác bồi thường, tái định cư đối với các tổ chức, cá nhân nằm trong ranh quy hoạch ga Bình Triệu trong giai đoạn 2021-2025 để sớm ổn định đời sống của người dân cũng như xúc tiến kế hoạch đầu tư triển khai xây dựng ga Bình Triệu theo quy hoạch” . Do đó, Sở GTVT tham mưu UBND TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT sớm triển khai thực hiện theo nội dung đã thống nhất tại cuộc họp ngày 26-3-2021.

 

Ðối với dự án ga Thủ Thiêm (ga đầu mối bao gồm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, tuyến đường sắt nhẹ TP HCM – Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các loại hình phương tiện giao thông công cộng khác), dù được Chính phủ phê duyệt từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Ðể đẩy nhanh, Sở GTVT TP tham mưu UBND TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT sớm triển khai nội dung đã thống nhất tại cuộc họp ngày 26-3-2021 giữa Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình và Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, đó là: “Bộ GTVT sẽ chỉ đạo đơn vị thuộc bộ chủ trì nghiên cứu quy hoạch chi tiết ga đầu mối Thủ Thiêm để có cơ sở quản lý quy hoạch, triển khai các dự án đầu tư”.

 

Theo Sở GTVT TP, hiện TP đã cập nhật phạm vi nhà ga Thủ Thiêm vào đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 khu đô thị chỉnh trang kế cận khu đô thị mới Thủ Thiêm, diện tích nhà ga là 14,7163 ha. Nhằm có cơ sở để quản lý quỹ đất trên thực địa, tiến hành công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ việc triển khai các dự án, UBND TP đã giao các đơn vị liên quan nghiên cứu tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu vực ga Thủ Thiêm. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay chưa đủ cơ sở để tổ chức lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu vực nhà ga Thủ Thiêm. 

 

Chia sẻ