Đà Nẵng: Thanh tra Dự án đường vành đai phía Tây 1.500 tỷ đồng

17/3/2021 09:03

 

Thanh tra TP Đà Nẵng vừa công bố Quyết định thanh tra số 17/QĐ-TTTP ngày 12/3/2021 của Chánh Thanh tra TP về Thanh tra việc thực hiện Dự án đường vành đai phía Tây (đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh, giai đoạn 1) để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm tiến độ dự án.

 

Đoàn Thanh tra gồm có 7 thành viên do ông Trần Công Dũng, Trưởng phòng Thanh tra 1, Thanh tra TP làm Trưởng đoàn.

Buổi công bố thanh tra dự án nêu rõ, thời kỳ thanh tra bắt đầu từ khi triển khai thực hiện dự án đến thời điểm thanh tra; thời hạn thanh tra 45 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.

Dự án đường vành đai phía Tây có điểm đầu tại Quốc lộ 14B (xã Hòa Khương). Điểm cuối của dự án nằm tại Km19+177,30 nối trục đường chính của Khu công nghệ thông tin tập trung (xã Hòa Liên). Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến là 19,3km.

 

Dự án chậm tiến độ hoàn thành 3 tháng

Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (vốn Trái phiếu Chính phủ) và vốn ngân sách TP. Dự án được khởi công chính thức vào tháng 10/2018, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2020.

Tổng diện tích đất phải thu hồi để phục vụ dự án gần 100ha, thuộc địa bàn các xã Hòa Khương, Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Phong và Hòa Liên. Trong đó, diện tích đất ở chiếm 18,2ha (370 hồ sơ); Đất nông nghiệp chiếm 23,8ha (900 hồ sơ); Đất khác chiếm hơn 56ha (325 hồ sơ).

Dự án đường vành đai phía Tây do UBND TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm điều hành. Đơn vị tư vấn thiết kế dự án gồm: Liên doanh Công ty CP Tư vấn XDCTGT 5, Công ty CP Tư vấn TKXD GTCC Đà Nẵng. Dự án do hai nhà thầu thi công: Tổng Công ty Xây dựng CTGT 1 và Tổng Công ty XD Trường Sơn

Hiện nay, dự án đã trễ hoàn thành hơn 3 tháng.

Theo ông Trần Ngạnh, Giám đốc Ban Giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang, Dự án đường vành đai phía Tây đang bị vướng hơn 200 hồ sơ đất ở khiến quá trình giải phóng mặt bằng, thi công của đơn vị liên quan không thể triển khai sau Tết Nguyên đán Tân Sửu

Theo đó, đến đầu năm 2021, Ban Giải phóng mặt bằng huyện đã giải phóng toàn bộ mặt bằng đối với đất nông nghiệp với tổng cộng 1.680 hồ sơ. Đối với 370 hồ sơ đất ở, công trình nhà ở, Ban Giải phóng mặt bằng huyện vẫn chưa thể hoàn thành do người dân chưa đồng ý bàn giao đất, nhận tiền và đất tái định cư.

 

Ngoài ra, theo ông Ngạnh, trong tổng số 370 hồ sơ nói trên, có hơn 200 hồ sơ được giải tỏa trắng, số còn lại là giải tỏa một phần. Để người dân được tái định cư (TĐC) do bị ảnh hưởng bởi dự án, TP đã chủ trương triển khai 3 khu TĐC (Hòa Khương, Hòa Phong và Hòa Phú). Tuy nhiên, đến nay cả 3 khu TĐC đều chưa được thi công khiến người dân chưa dám bàn giao đất.

Đối với nút cầu vượt Quốc lộ 14B, ông Ngạnh cho biết, đã có 15/16 hộ đồng ý bàn giao mặt bằng. Riêng một hộ dân tại xã Hòa Khương vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng do yêu cầu được bố trí 2 lô tại đường vành đai Hòa Phước – Hòa Khương và khu tái định cư Hòa Khương sau khi bị thu hồi hơn 150m2 đất ở tại Quốc lộ 14B.

 

Chia sẻ