Điều chỉnh quy hoạch Đà Nẵng: Doanh nghiệp được lợi gì?

09:29 | 20/04/2021

 

Việc quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045 được đánh giá sẽ tạo đà cho nhiều dự án của Đà Nẵng có cơ hội bứt phá và phát triển trong tương lai.

Vành đai, hạ tầng và đô thị

 

Thành phố Đà Nẵng đã tổ chức công bố rộng rãi Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (quy hoạch điều chỉnh) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/3 vừa qua. Quyết định nêu rõ, Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc trung ương, trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia. Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

 

Theo đó, quy hoạch điều chỉnh lần này được xem là cơ sở quan trọng để TP Đà Nẵng và các nhà đầu tư xúc tiến, khởi động lại các dự án; là cơ sở để các cá nhân, tổ chức có liên quan thực hiện việc đầu tư, sử dụng đất đúng quy hoạch; quản lý khai thác hiệu quả diện tích đất xây dựng và quy hoạch.

Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đánh giá, với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 vừa được phê duyệt, Đà Nẵng sẽ khắc phục những hạn chế, tận dụng và sử dụng tốt hơn không gian đô thị cũng như đưa ra các giải pháp về môi trường, dân số, thích ứng biến đổi khí hậu…

 

“Đồ án đã định hình về quy hoạch sử dụng đất, mô hình, cấu trúc phát triển không gian, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật, thiết kế đô thị, kinh tế đô thị và đánh giá môi trường chiến lược, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển về kinh tế – xã hội của thành phố trong giai đoạn mới”- ông Chinh cho biết

 

Điều chỉnh quy hoạch Đà Nẵng

Một số điểm đáng chú ý trong quy hoạch điều chỉnh lần này bao gồm việc chuyển đổi mô hình đô thị phát triển dàn trải, sử dụng đất đơn năng (làng đại học, KCN,…), phát triển đơn cực như trong quy hoạch cũ được phê duyệt năm 2013 thành đô thị nén, sử dụng đất đa năng (các khu đô thị: Đại học, Công nghệ cao, Sân bay, cảng biển, …), sử dụng đất hỗn hợp, đất đơn vị ở kết hợp thương mại dịch vụ, phát triển đa cực, đa trung tâm.

 

Tái thiết các khu đô thị cũ thành các khu cao tầng và tập trung đầu tư hạ tầng tương ứng, trọng tâm là: Khu vực trung tâm đô thị mở rộng quy mô 631 ha; khu An Đồn được xác định là khu đô thị cao tầng mới trong trung tâm; Các dự án tái thiết khác cho các khu vực đô thị cũ không đảm bảo hạ tầng; Các khu đô thị mới phát triển hạn chế dàn trải; Tập trung phát triển cao tầng, trong đó khu đô thị sườn đồi phát triển đến 25 tầng và áp dụng quy chuẩn mới cho đơn vị ở mới (28m2/người); Xác lập các chỉ tiêu như hệ số sử dụng đất trung bình (lên đến 7.0 lần), chiều cao xây dựng trung bình một số khu vực lên đến 150m.

 

Ngoài ra, cấu trúc đô thị mới cũng hình thành 2 vành đai kinh tế gồm: vành đai phía Bắc –vành đai công nghiệp công nghệ cao và cảng biển – logistics; vành đai phía Nam – vành đai đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Riêng khu vực đồi núi phía Tây, phía Bắc và bán đảo Sơn Trà sẽ được tận dụng cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.

 

Tiến sĩ khoa học, KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá, trong quy hoạch điều chỉnh lần này, Đà Nẵng sẽ không phát triển theo chiều rộng nữa mà tập trung phát triển theo chiều sâu với việc tập trung xây dựng các cụm đô thị đa chức năng, giao thông hiện đại, tiện ích thuận lợi cho người dân. Tổ chức ra những cụm dân cư mật độ cao nhưng đi với không gian xanh nhiều hơn và tiện ích nhiều hơn giúp đời sống văn minh hơn.

 

“Đối với nhà đầu tư, khi thành phố đi theo quy hoạch có chiều sâu thì sẽ không còn tình trạng giành đất để đầu cơ mà phải triển khai dự án thật. Với việc sắp tới đây, Đà Nẵng sẽ chặt chẽ hơn trong việc giao đất, nếu nhà đầu tư không cam kết đạt được dự án thì sẽ bị thu hồi để dành đất cho những nhà đầu tư thực sự thực hiện dự án khác. Và như thế, Đà Nẵng sẽ bước qua 1 giai đoạn phát triển mới, xứng tầm với tiềm năng của một đô thị rất quan trọng đóng vai trò trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Miền trung”, ông Sơn nói.

 

Cơ hội mới cho các dự án chủ lực

 

Trong đợt quy hoạch mới này, Đã Nẵng sẽ tập trung phát triển công nghệ cao với quy mô diện tích đất khoảng 1.710ha, gồm: Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao mở rộng; Khu công nghệ thông tin tập trung số 1, số 2; Khu công viên phần mềm số 1, số 2, số 3; ngoài ra, hình thành Cụm Đổi mới sáng tạo tại phía Nam thành phố gắn liền với Khu đô thị đại học Đà Nẵng, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và công viên phần mềm. Hình thành mới các cụm công nghiệp: Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc với quy mô diện tích đất khoảng 83 ha.

 

Cùng với đó, Đà Nẵng sẽ triển khai xây dựng nhiều dự án giao thông lớn. Cụ thể, tiếp tục nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu hành khách mỗi năm, cấp 4E, là cảng hàng không cửa ngõ quốc tế, quy mô diện tích đất dự kiến khoảng 856ha; đầu tư xây dựng mới cảng Liên Chiểu công suất đạt 50 triệu tấn/năm, diện tích khoảng 450 ha. Cảng Tiên Sa sẽ được chuyển dần thành cảng du lịch sau khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động.

 

Một vấn đề hết sức quan trọng tại quy hoạch điều chỉnh lần này đó là cơ sở để tháo gỡ “điểm nghẽn” cho các dự án bất động sản, ông Trần Ngọc Thái- Giám đốc Khối đầu tư và phát triển quỹ đất của Đất Xanh Miền Trung cho biết:“ Trước kia, ở khu vực ven biển mà chủ yếu xảy ra tại một số khu vực ven biển bán đảo Sơn Trà và một số tại khu vực Ngũ Hành Sơn có một số dự án đã bán cho người dân theo hình thức đất ở đô thị nhưng sau cập nhật quy hoạch thành đất dịch vụ thương mại và buộc phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất gây ra những phản ứng của người mua. Thì nay, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất từ đất thương mại dịch vụ trở thành thành đất hỗn hợp (bao gồm đất ở đô thị) sẽ giúp chủ đầu tư một số dự án có cơ sở để tháo gỡ vướng mắc trên và thực hiện các thủ tục ra sổ đỏ cho người mua trước đây ”.

 

Cũng theo ông Thái, đối với các quỹ đất còn lại của thành phố, theo quy hoạch điều chỉnh hiện nay thì đa số được chuyển đổi thành đất có mục đích thương mại và đất ở. Điều này có thể đáp ứng được nhu cầu thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ -thương mại của thành phố Đà Nẵng, vừa đáp ứng nhu cầu đất ở sẽ ngày một tăng trong tương lai khi dân số TP Đà Nẵng được xác định sẽ đạt mốc 1,79 triệu dân trong năm 2030.

 

“Cơ hội sẽ mở ra cho các doanh nghiệp bất động sản đã có sẵn quỹ đất. Với việc quy hoạch điều chỉnh bao gồm quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, các doanh nghiệp có thể triển khai các dự án mới nhằm đón đầu cơ hội khi mà nhu cầu mong muốn sở hữu đất ở trong tương lai gần ngày một nhiều hơn với việc lượng dân cư cơ học tăng lên”, ông Thái nói.

 

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho hay, ngay sau khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung được phê duyệt, thành phố sẽ tập trung làm quy hoạch phân khu chi tiết. Đồ án quy hoạch chung đã kèm theo 12 phân khu có ranh giới, định hướng và yêu cầu phát triển. Hiện có nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan tâm và đề xuất đầu tư ở cùng một phân khu. Đối với vấn đề này, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và các ngành có liên quan sẽ phân tích, nghiên cứu để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với định hướng phát triển’.

 

Chia sẻ