Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Bao giờ thì tàu chạy?

06:30 23/03/2021

 

Sau nhiều năm trì hoãn, dự kiến cuối tháng 3 này, Bộ GTVT sẽ bàn giao cho thành phố Hà Nội tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Đây là điều đã được mọi người trông đợi đã lâu.

 

Tiện lợi cho người dân

 

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước và Hà Nội nên được người dân kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả, phục vụ đi lại thuận tiện và góp phần giảm ùn tắc giao thông. Cụ thể, tuyến đường từ Cát Linh vào Hà Đông đi bình thường nhanh cũng mất 45 phút nhưng đi đường sắt đô thị chỉ mất hơn 20 phút.

 

Theo kế hoạch, cuối tháng 3/2021, Bộ GTVT sẽ bàn giao Dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông cho TP Hà Nội để đưa vào khai thác vận hành thương mại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hiện các đơn vị liên quan đang dồn tổng lực, phối hợp cùng nhà thầu Trung Quốc để hoàn thành các thủ tục cuối cùng của đợt chạy thử nghiệm. Còn phía TP.Hà Nội cũng sẵn sàng tiếp nhận dự án.

Thời điểm này, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã xong giai đoạn chạy thử toàn hệ thống để tư vấn độc lập (của Pháp) đánh giá an toàn toàn hệ thống. Đây là cơ sở để Bộ GTVT, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước thực hiện nghiệm thu các hạng mục trước khi bàn giao cho Hà Nội. Để chuẩn bị cho công tác tiếp nhận vận hành dự án, phía TP Hà Nội cũng đã chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực.

 

Đại diện TP Hà Nội cũng cho biết, thời gian tiếp nhận dự án đưa vào khai thác thương mại sẽ phụ thuộc vào kết quả đánh giá, nghiệm thu dự án. Thành phố đã sẵn sàng tiếp nhận khi dự án đủ các điều kiện. Và sau khi tiếp nhận dự án thì vẫn cần có chuyên gia hỗ trợ, theo mô hình định biên dự án sẽ có 681 người làm việc, trong đó 651 người được đào tạo bổ sung với 112 chức danh, vị trí công việc. Sau 20 ngày chạy thử, tất cả vị trí đều sẵn sàng tiếp nhận và vận hành các vị trí trên tuyến, chuyên gia hỗ trợ chỉ để xử lý 64 tình huống phát sinh trong quá trình vận hành.

Liên quan tới việc vận hành tuyến đường sắt, Công ty Metro Bắc Kinh – Trung Quốc sẽ hỗ trợ Metro Hà Nội thực hiện công tác vận hành, khai thác tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đảm bảo an toàn trong thời gian đầu, từng bước xây dựng năng lực để Metro Hà Nội có thể vận hành khai thác hiệu quả tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

 

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Bao giờ thì tàu chạy?

Giảm ùn tắc giao thông

 

Cùng nhìn lại tổng thể quy hoạch đường sắt đô thị của Thủ đô đến năm 2030, theo đó, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 318km để kết nối với các đô thị vệ tinh và vùng ven. Ông Bùi Danh Liên- nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định: Việc dự kiến triển khai 8 tuyến đường sắt đô thị đến năm 2030 là rất cần thiết. Tuy nhiên, khi triển khai cần được kiểm soát chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ thi công, tránh lãng phí và gây ảnh hưởng đến vấn đề giao thông đường phố.

Ông Liên chia sẻ, vấn đề phát triển giao thông đô thị Hà Nội từ lâu đã được Nhà nước phê duyệt theo quy hoạch tổng thể lâu dài. Kế hoạch này đã tranh thủ, tận dụng được sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới, trong đó có tổ chức JICA của Nhật Bản. “Nếu dự án đường sắt đô thị được triển khai đúng kế hoạch, tập trung được nguồn lực ngân sách để giải quyết sẽ tạo ra diện mạo giao thông mới cho đất nước. Việc hạn chế xe cá nhân và phát triển giao thông công cộng cũng làm cho chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên”- ông Liên nhấn mạnh.

 

Tuy nhiên, “nếu dự án có vốn vay từ nước ngoài thì phải biết cách sử dụng một cách hiệu quả, tiết kiệm, có phương án vay và sẽ trả nợ. Người cho vay phải khách quan, đầu tư, không có điều kiện ràng buộc. Lo lắng nhất là vấn đề đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng, nếu quy hoạch không đến nơi đến chốn, sẽ dễ xảy ra khiếu kiện, khiếu nại, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án” – ông Liên lo ngại.

Ở một góc nhìn khác, TS Phan Lê Bình – chuyên gia giao thông thuộc Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chia sẻ: Kế hoạch triển khai 8 tuyến đường sắt đô thị đã được lập ra từ năm 2010 nhằm phát triển tổng thể mạng lưới giao thông công cộng của Hà Nội. Vì là quy hoạch tổng thể nên dự án có chiến lược dài hạn.

 

“Với quy mô dân số đô thị như ở Hà Nội hiện nay thì mức độ có 8 tuyến đường sắt là rất cần thiết. Đó là phương án để gánh vác một phần đáng kể lượng nhu cầu giao thông đô thị của người dân để giảm ùn tắc”- ông Bình nhận định.

TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông cho rằng, tuyến đường sắt đô thị là “mạch máu” giao thông công cộng của đô thị bởi năng lực vận chuyển nhanh, mỗi chuyến vận chuyển hàng nghìn lượt hành khách. Việc giảm ùn tắc ngay sau khi vận hành tuyến đường sắt là hoàn toàn có thể, tuy nhiên phải có thời gian để kết nối, chỉnh lại lộ trình của các tuyến xe buýt, kết nối với hạ tầng khu vực xung quanh tạo thuận tiện cho người dân đi lại.

Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài 13,1 km, có 12 ga và 13 đoàn tàu, trong đó 10 đoàn tàu vận hành thường xuyên, 2 đoàn tàu bảo dưỡng định kỳ và 1 đoàn tàu dự phòng. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, chiều dài khoảng 80 m, sức chứa 1.000 hành khách/lượt, năng lực vận chuyển toàn tuyến ước tính gần 200 nghìn lượt hành khách/ngày.

 

Chia sẻ