Giải pháp căn cơ đẩy nhanh việc cấp sổ hồng

24/11/2020

Hàng vạn căn hộ trong cả nước chưa được cấp sổ hồng, gây khó khăn trong việc giao dịch, mua bán, gây bất bình cho cư dân. Trước vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, phải thực hiện một số giải pháp căn cơ hơn, như điều chỉnh các quy định pháp luật về nghiệm thu nhà ở, sửa đổi bổ sung một số điểm của Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản để đảm bảo việc cấp quyền sử dụng đất và sở hữu cho nhà dân chuyển nhượng dự án được chặt chẽ hơn.

 

Cư dân VP6 Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) treo băng-rôn năm 2019, yêu cầu chủ đầu tư cấp sổ hồng.

“Treo” sổ hồng vì phạt quá nhẹ?

Theo quy định của pháp luật, sau 50 ngày khi chủ đầu tư bàn giao nhà ở thì chủ đầu tư buộc phải làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở hợp pháp cho người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều chủ đầu tư đã không thực hiện trách nhiệm của mình đối với cư dân, kéo dài từ năm này sang năm khác. Luật Kinh doanh bất động sản quy định chế tài xử phạt hành vi chây ỳ thực hiện thủ tục cấp sổ hồng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn liền tài sản đối với chủ đầu tư lên đến 1 tỷ đồng song nhiều người cho rằng, mức phạt này là quá nhẹ và không “thấm” vào đâu đối với các chủ đầu tư.

 

Anh Nguyễn Văn Nam (trú tại KĐT HH Linh Đàm, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết: “Gần 4 năm tôi chuyển về khu chung cư sinh sống nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ các thủ tục làm sổ hồng cho tôi và hàng nghìn cư dân khác. Việc chủ đầu tư chậm trễ làm sổ hồng suốt nhiều năm qua đã ít nhiều gây khó khăn cho việc mua/bán căn hộ và vay vốn ngân hàng”. Câu chuyện “đòi” sổ hồng như ở HH Linh Đàm hay VP6 Linh Đàm khiến tình trạng cư dân phải treo băng-rôn phản đối chủ đầu tư từng xuất hiện tại nhiều khu chung cư khác tại Hà Nội.

 

Gần đây nhất là chung cư Athena Complex Xuân Phương hay chung cư Hateco Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội), hàng nghìn cư dân đã chuyển vào ở nhiều năm nay nhưng đến thời điểm hiện tại, các chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện việc cấp sổ hồng. Hiện các giao dịch, mua bán, chuyển nhượng căn hộ tại 2 khu chung cư này vẫn thực hiện bình thường, tuy nhiên đều thực hiện bằng hợp đồng mua bán căn hộ thay vì sổ hồng như quy định.

 

Vấn đề “treo” sổ hồng xảy ra ở rất nhiều tỉnh, thành. Tình trạng trên được các chuyên gia, cơ quan chức năng cho rằng xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan. Vấn đề này cũng đã được một số đại biểu Quốc hội nêu ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua.

 

Cư dân có quyền hi vọng bước đột phá

Giải trình ý kiến này trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, dù đã có chế tài xử phạt chủ đầu tư lên đến 1 tỷ đồng nhưng tình hình thực tế các chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ hoàn thiện cấp sổ hồng cho cư dân. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: “Chúng tôi có thống kê đối với các nhà chung cư, tranh chấp về việc này chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số các tranh chấp về nhà chung cư. Tuy nhiên, số lượng người dân, hộ dân bị chịu ảnh hưởng lại rất lớn. Cho nên, đây là một vấn đề cần phải được tập trung giải quyết”.

 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn về vấn đề các chủ đầu tư chậm cấp sổ hồng cho cư dân tại Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, nguyên nhân chính xảy ra tình trạng này có 2 loại: Một là, chủ đầu tư thực hiện chưa đầy đủ các thủ tục để cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở; hai là, mặc dù có thể đã thực hiện các thủ tục rồi nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình chậm trễ, chây ỳ trong việc làm các thủ tục cấp quyền cho người dân.

 

Về giải pháp Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp với Bộ TN&MT thống nhất một số phương án. Đối với những loại dự án đã thực hiện xong thủ tục nhưng chủ đầu tư cố tình chây ỳ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tập trung xử lý nghiêm khắc theo quy định xử phạt vi phạm hành chính. Nếu chủ đầu tư vẫn cố tình thì chuyển các cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định pháp luật về hình sự. Đối với những dự án còn thiếu một số thủ tục pháp lý để cấp quyền sử dụng đất và sở hữu, cần phải giải quyết đồng thời hai việc: Giải quyết các thủ tục pháp lý mà chủ đầu tư chưa thực hiện; đồng thời phải thực hiện ngay việc cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở cho người dân.

 

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, giải pháp các địa phương khác nhau, mỗi dự án cũng khác nhau. Đề nghị các địa phương có báo cáo cụ thể, rà soát, đánh giá cụ thể và trao đổi ý kiến với Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng để phối hợp giải quyết. Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “Phải thực hiện một số các giải pháp căn cơ hơn, như điều chỉnh các quy định pháp luật về việc nghiệm thu nhà ở, nghiệm thu công trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số điểm của Nghị định về hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản để đảm bảo cho việc cấp quyền sử dụng đất và sở hữu cho nhà dân chuyển nhượng dự án được chặt chẽ hơn”.

 

Chia sẻ