Gỡ vướng cho các dự án hạ tầng chậm tiến độ

06:49 – 10/04/2021

 

Khu vực Nam bộ có khá nhiều dự án hạ tầng chậm tiến độ kéo dài từ nhiều năm nay, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc chưa giải phóng được mặt bằng và chậm thu xếp nguồn vốn. Một trong những ưu tiên hàng đầu được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ tập trung “gỡ vướng” để thúc đẩy tiến độ các dự án.

 

Tuyến metro số 1 TP. Hồ Chí Minh đã chậm tiến độ nhiều năm do “vướng” cơ chế, giờ lại đứng trước nguy cơ tiếp tục lùi thời gian đưa vào hoạt động vì “lý do kỹ thuật”. Nếu như hàng ngàn gối cao su phải đồng loạt kiểm tra và phải xử lý toàn bộ hệ thống thì kế hoạch cho tàu lăn bánh chạy thử vào tháng 9 năm nay sẽ khó trở thành hiện thực.

Cầu Thủ Thiêm 2 nối TP. Thủ Đức với Quận 1 đã ngưng thi công khoảng 7 tháng nay do chưa giải quyết được mặt bằng phía Quận 1, dẫn tới nguy cơ giải thể công trình.

 

Gỡ vướng cho các dự án hạ tầng chậm tiến độ

Cùng lúc, 2 tuyến đường vành đai 2 và 3 cũng đã bị đình trệ cùng với nguyên nhân mặt bằng và vốn. Tuyến vành đai 2 hiện chưa được kết nối đồng bộ, trong đó “vướng” nhất là đoạn đi qua TP. Thủ Đức. Còn tuyến vành đai 3 theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 lẽ ra đã hoàn thành trong năm 2020 nhưng hiện mới chỉ hoàn thành hơn 30km đoạn đi qua tỉnh Bình Dương.

Một dự án lớn khác là dự án chống ngập do triều cường có tính tới yếu tố biến đổi khí hậu tại TP. Hồ Chí Minh với trị giá 10.000 tỷ đồng đã nhiều lần phải ngưng thi công do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đây là dự án cấp bách của TP. Hồ Chí Minh và đã thực hiện trên 96% khối lượng công việc, nếu để chậm có thể ảnh hưởng tiêu cực kinh tế – xã hội, nhất là môi trường, lãng phí nguồn lực xã hội đầu tư.

 

Đặc biệt trên địa bàn TP. Thủ Đức, rất nhiều dự án hạ tầng dù đã được lên kế hoạch thực hiện từ khá lâu nhưng đến giờ vẫn “giậm chân tại chỗ”, ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình phát triển thành phố theo định hướng đề ra.

Việc các dự án đình trệ xuất phát từ nhiều khó khăn, cả khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, không phải khó khăn nào cũng lớn đến mức không thể giải quyết hoặc cần phải tiêu tốn quá nhiều thời gian. Đơn cử như với dự án cầu Thủ Thiêm 2, ngay sau khi tín hiệu “giải thể công trình” được phát đi, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương cùng các bên liên quan, vướng mắc đã lập tức được tháo gỡ. Cụ thể, ngày 2/4/2021, UBND Quận 1 đã bàn giao mặt bằng đầy đủ để thi công cầu Thủ Thiêm 2 cho chủ đầu tư, dự kiến công trình được thi công trở lại trước ngày 15/4.

 

Với dự án chống ngập, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp để làm rõ hơn cơ sở pháp lý việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ nhằm gỡ vướng cho dự án. Kết luận về hướng tháo gỡ cho dự án này, Thủ tướng Chính phủ cho biết, sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan dự án. Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh phải thực hiện thanh toán, quyết toán đối với toàn bộ dự án để loại bỏ những bất hợp lý, chống thất thoát, lãng phí.

Tương tự, đường vành đai 3 được xác định là tuyến đường có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Nam bộ nhằm phục vụ phát triển kinh tế được Chính phủ đặc biệt quan tâm nên chỉ sau một thời gian đốc thúc, việc thu xếp nguồn vốn và thiết kế kỹ thuật một số đoạn quan trọng đã tiến triển, dự kiến khởi công đầu quý 3/2021, hoàn thành toàn bộ vào năm 2025.

Với Chính phủ mới, bao gồm nhiều gương mặt mới, người dân kỳ vọng các dự án hạ tầng sẽ được đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.

 

Chia sẻ