Hạn chế điều chỉnh quy hoạch vành đai Thủ đô

18/03/2021 10:56

 

Bộ GTVT lưu ý đây là tuyến vành đai 4,5 của Thủ đô là vành đai vùng có yêu cầu kỹ thuật cao nên cần hạn chế điều chỉnh.

 

Bộ GTVT ra thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp về phương án đầu tư đường vành đai 4, 5 Thủ đô Hà Nội và giao thông kết nối với các cảng khu vực Hải Phòng.

Về đường vành đai 5, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Quyết định số 561/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết đường vành đai 5 – Vùng Thủ đô Hà Nội, tuyến đường đi qua địa giới hành chính của 8 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

 

Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND các tỉnh, thành phố quản lý quỹ đất cho quy hoạch; đồng thời, trên cơ sở quy hoạch này, chủ động lập dự án, huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các đoạn tuyến trên địa bàn (kể cả các đoạn đi trùng cao tốc, quốc lộ khi Trung ương chưa bố trí được nguồn lực).

Khẳng định vai trò quan trọng của tuyến đường vành đai 5 trong phát triển kinh tế – xã hội, đô thị, công nghiệp, du lịch của các địa phương nói riêng và vùng Thủ đô Hà Nội nói chung, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chủ động huy động nguồn lực thực hiện đầu tư các đoạn tuyến qua địa giới hành chính của các địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 561/2014.

 

Hạn chế điều chỉnh quy hoạch vành đai Thủ đô

“Các tỉnh, thành phố làm việc với các nhà tài trợ quốc tế (như ADB, WB, JICA) để hợp tác, nghiên cứu để đề xuất, báo cáo Chính phủ, Quốc hội hỗ trợ nguồn vốn ODA cho vay lại để thực hiện các dự án; đồng thời, tích cực nghiên cứu kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương kết hợp với nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư các dự án. Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, giải quyết”, kết luận nêu rõ.

Về công tác quy hoạch: Đề nghị các địa phương rà soát quy hoạch chi tiết. Trong trường hợp cần điều chỉnh cục bộ quy hoạch, kịp thời báo cáo Bộ để xem xét, giải quyết. Trong đó, cần lưu ý đây là tuyến vành đai vùng có yêu cầu kỹ thuật cao, nên hạn chế điều chỉnh.

 

Đối với đường vành đai 4, Bộ GTVT đề nghị trong quá trình thực hiện, các cơ quan đơn vị liên quan cần nghiên cứu kỹ định hướng phát triển của các địa phương, đặc biệt là việc hình thành các khu, cụm công nghiệp, kết nối giao thông hướng tâm với trung tâm TP Hà Nội để có tính toán, đề xuất quy mô đầu tư từng đoạn tuyến trên đường vành đai 4 cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài; hạn chế chiếm dụng quỹ đất.

Về phương án đầu tư tuyến đường này, Bộ GTVT cho biết, sau khi có kết quả nghiên cứu, Bộ sẽ làm việc với các địa phương theo hướng phân kỳ đầu tư đường vành đai 4 nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải theo từng giai đoạn, bảo đảm quản lý giữ quỹ đất cho việc mở rộng tuyến vành đai 4 sau này.

 

“Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương ủng hộ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 của Bộ GTVT để sớm thực hiện đầu tư toàn tuyến hoặc từng đoạn tuyến trong nhiệm kỳ tới đáp ứng nhu cầu. Đồng thời, đề nghị các địa phương chủ động trong công tác chuẩn bị xây dựng các khu tái định cư và các điều kiện cần thiết để triển khai dự án”, Bộ GTVT đề nghị.

“Tính đến tháng 5/2020, trên tuyến vành đai 5 mới chỉ đầu tư đưa vào khai thác cầu Vĩnh Thịnh vượt sông Hồng, có tổng mức đầu tư 170 triệu USD, do Bộ GTVT thực hiện. Các đoạn còn lại chưa có nghiên cứu dự án.

 

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, đường vành đai 4 Hà Nội là có chiều dài toàn tuyến là 136,6 km; đi qua 16 quận, huyện, thị xã, thành phố, gồm: Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín, Sóc Sơn (Hà Nội), Văn Giang, Yên Mỹ, Văn Lâm (Hưng Yên), Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong, Thuận Thành (Bắc Ninh); Việt Yên và Hiệp Hòa (Bắc Giang). Đường Vành đai 4 sẽ vượt các sông Hồng, sông Đuống và sông Cầu.

Đường Vành đai 5 quy hoạch đi qua địa giới hành chính của 36 quận, huyện, thành phố trực thuộc 8 tỉnh, thành: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc có tổng chiều dài toàn tuyến đường Vành đai 5 khoảng 331,5 km (không bao gồm khoảng 41 km đi trùng các đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long, Hà Nội – Thái Nguyên, Nội Bài – Lào Cai và quốc lộ 3).

Trong đó, đoạn qua TP Hà Nội dài khoảng 48 km; qua tỉnh Hòa Bình 35,4 km; qua tỉnh Hà Nam 35,3 km; qua tỉnh Thái Bình 28,5 km; qua tỉnh Hải Dương 52,7 km; qua tỉnh Bắc Giang 51,3 km; qua tỉnh Thái Nguyên 28,9 km, qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc 51,5 km.”

 

Chia sẻ