Mở rộng sân bay Đà Nẵng: Có tiền nhưng chưa được làm!

 

Trong khi nhà ga T1 và T2 của sân bay Đà Nẵng đang quá tải, nguồn vốn đầu tư mở nhà ga T3 và ga hàng hóa đã có sẵn nhưng chưa thể triển khai do Bộ GTVT chưa có quy hoạch!

 

Nhà ga quốc nội T1 có công suất thiết kế 4-6 triệu khách/năm, nhưng công suất khai thác thực tế hiện lên tới 8,3 triệu khách/năm. Tương tự, nhà ga quốc tế T2 có công suất thiết kế 4,5 triệu khách/năm cũng đang quá tải với công suất khai thác thực tế lên tới 7 triệu khách/năm.

 

Sân bay quá tải, dự án chờ quy hoạch

 

Ghi nhận của chúng tôi tại nhà ga quốc nội T1, sân bay Đà Nẵng cho thấy bình quân mỗi ngày có 70 chuyến bay với 23.000 lượt khách. Vào các giờ cao điểm (buổi sáng, buổi trưa và buổi tối) thường xuyên xảy ra quá tải. 

Tương tự, nhà ga quốc tế T2 cũng có 60 chuyến bay mỗi ngày, với 19.500 lượt khách/ngày, thường xuyên quá tải. Trong khi đó, nhà ga hàng hóa có công suất thiết kế 20.000 tấn/năm hiện phải phục vụ 45.000 tấn/năm, không còn khả năng tiếp nhận thêm hàng hóa.

 

Mở rộng sân bay Đà Nẵng: Có tiền nhưng chưa được làm!

Theo dự báo trước đó, với tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm, sản lượng tại sân bay này sẽ đạt 25 triệu khách/năm vào năm 2025 và 40 triệu khách/năm vào năm 2030. Tuy nhiên, việc tăng trưởng hành khách thực tế vượt gấp đôi dự báo. Đến năm 2025, lượng hành khách sẽ vượt 2,5 lần công suất thiết kế các nhà ga, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tăng chuyến, mở thêm đường bay và đón trả khách.

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Xuân Tùng – giám đốc sân bay quốc tế Đà Nẵng – cho biết việc điều chỉnh quy hoạch là trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam nhưng cơ quan này chưa bố trí được nguồn vốn trong khi Đà Nẵng muốn ứng vốn lại không làm được.

 

“Quy hoạch không nhiều tiền, chỉ vài tỉ đồng. Đà Nẵng rất quyết liệt tháo gỡ, ứng tiền trước nhưng theo luật thì không được. Đà Nẵng và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đều rất nóng ruột bởi việc xây nhà ga đâu phải hôm nay xây là ngày mai có ngay đâu. Từ quy hoạch tới thực hiện phải mất ít nhất 3 năm mà hàng hóa giờ tắc cứng, không thể làm gì được” – ông Tùng chia sẻ.

 

Vốn “treo” do thủ tục?

 

Theo ông Lê Xuân Tùng, vốn xây dựng nhà ga T3 (công suất 10-15 triệu khách/năm) khoảng 5.000 tỉ đồng, vốn xây ga hàng hóa (công suất 80.000-100.000 tấn/năm) khoảng 300 tỉ đồng. Số vốn này ACV đã có sẵn nhưng để triển khai làm, trước hết phải được Bộ GTVT lập quy hoạch điều chỉnh. Do vậy, dự án vẫn đang giậm chân tại chỗ.

 

Trước đó, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi Chính phủ đề nghị thống nhất cho địa phương này làm điều chỉnh quy hoạch để kịp thời triển khai mở nhà ga T3. Tuy nhiên, Chính phủ giao cho các bộ nghiên cứu, dự án đến nay tiếp tục bị trì hoãn. Trong khi đó, theo UBND TP Đà Nẵng, việc chậm đầu tư ga T3 và hạ tầng liên quan sẽ cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và tăng trưởng.

 

Mở rộng sân bay Đà Nẵng: Có tiền nhưng chưa được làm!

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Trung Chinh – phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – bày tỏ lo lắng khi sân bay Đà Nẵng ngày càng quá tải, trong khi việc mở thêm nhà ga T3 vẫn giậm chân tại chỗ do Bộ GTVT chưa quy hoạch. Để xúc tiến nhanh việc mở nhà ga T3, UBND Đà Nẵng đã đề nghị ứng trước vốn cho Bộ GTVT lập quy hoạch chi tiết.

Tuy nhiên, các bộ ngành liên quan không đồng ý với lý do không thể dùng ngân sách địa phương để làm quy hoạch của trung ương.

 

Chia sẻ