Nở rộ nhà siêu mỏng

08:00 14/04/2021

 

Thống kê chưa đầy đủ, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 1.000 căn nhà siêu mỏng, khiến quy hoạch, mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đáng nói, hầu hết các căn nhà này đều nằm ở vị trí mặt tiền, dễ quan sát.

 

Theo Sở Xây dựng TP HCM, tình trạng các căn nhà có hình dáng “lệch chuẩn” đã có từ nhiều năm trước và hầu hết đều tồn tại tới nay. Từ các căn nhà ở đường Trần Hưng Đạo (quận 5), Điện Biên Phủ (Bình Thạnh), Tân Hóa – Lò Gốm, Bùi Đình Túy… Toàn bộ các căn nhà này đều là hậu quả của việc mở rộng các dự án hạ tầng đường đô thị.

Thời gian gần đây, dự án xây dựng tuyến metro số 2 Bến Thành-Tham Lương đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đã phát sinh nhiều căn nhà siêu mỏng, siêu nhỏ khu vực đường Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình). Mặc dù công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn tất nhưng ghi nhận của chúng tôi đã có hàng chục căn nhà mặt tiền dọc tuyến đường này có bề ngoài “lệch chuẩn”.

 

Trong đó có căn nhà siêu mỏng mà một phía chỉ rộng bằng vài viên gạch hay có căn nhà diện tích chỉ gần 10 mét vuông với chiều rộng vỏn vẹn là 0,7 mét. Mặc dù có diện tích nhỏ, hẹp nhưng với vị trí mặt tiền, những căn nhà này vẫn có giá trị theo thị trường tới 4-5 tỷ đồng. Điều đáng nói, dù có kích cỡ rất bất thường nhưng những căn nhà này vẫn cao tới 3-5 tầng càng khiến cho mỹ quan đô thị thêm xấu xí. Dự kiến, nếu toàn bộ mặt bằng của dự án tuyến metro số 2 được giải phóng xong và việc người dân xây dựng lại hoàn tất sẽ có thêm những căn nhà như vậy được hình thành.

Theo nhiều người, tình trạng những căn nhà mặt tiền ở các tuyến đường lớn có kích cỡ, hình dáng “lệch chuẩn” là không phù hợp với quy hoạch chung, khiến cho mỹ quan đô thị bị phá vỡ. Dù đã được cảnh báo từ lâu nhưng những căn nhà như vậy vẫn có “đất sống”, vẫn hiên ngang nằm giữa mặt tiền khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu.

 

Một căn nhà siêu mỏng ở đường Cách Mạng Tháng Tám (Tân Bình, TP HCM).

Theo ông Mai Văn Thuận, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Tân Bình thì những căn nhà siêu mỏng được hình thành là do phần diện tích sau khi giải phóng vẫn còn và chủ nhà sửa chữa theo hiện trạng cũ, không được phép xây dựng mới, tăng diện tích sàn. Tức căn nhà 2 tầng, giải tỏa 70%, còn 30% phần diện tích được phép sửa lại hoàn thiện phần không bị giải tỏa. Nếu chủ nhà muốn hợp khối với các căn lân cận, UBND quận sẽ tạo điều kiện tối đa để cấp giấy phép xây dựng với các hộ dân lân cận. Nghĩa là, đây là những căn nhà được sửa lại sau khi giải tỏa phần đất dành cho dự án, chứ không được cấp phép mới nếu có diện tích quá bất thường.

Tuy nhiên thực tế việc những căn nhà nằm ngoài dự án như vậy, nếu có cơ chế để mua hay đấu giá hay gộp nhiều căn lại là vẫn đề không hề dễ dàng, liên quan đến nhiều loại thủ tục hành chính khác nhau. Vì vậy, công tác xóa bỏ hoàn toàn hay chấm dứt tình trạng này ở các đô thị, nhất là khu trung tâm là không hề đơn giản.

 

Chia sẻ