Phá tường vì không biết đó là đất di tích?

26/2/2021  10:33

 

Vụ việc người dân tự ý chặt cây, phá tường, lấn đất chùa Vàng (xã Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội) đã được báo Đại Đoàn kết phản ánh ngày 8/2. Di tích quốc gia chùa Vàng bị phá hoại diễn ra đến nay đã hơn hai tháng, nhưng chính quyền địa phương vẫn “hững hờ”.

 

Đến di tích quốc gia chùa Vàng nhưng không gặp được Trưởng ban quản lý, nên phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã liên lạc qua điện thoại. Ông Nguyễn Hữu Tám – Trưởng thôn Vàng, Trưởng ban quản lý di tích cho biết: Ông mới được phân công làm Trưởng ban quản lý di tích sau khi diễn ra vụ việc chặt cây, phá tường. Ngày diễn ra việc chặt cây, phá tường ông có biết. Lúc đó, người dân không biết là đất đó thuộc di tích quốc gia. Chính quyền xã Cổ Bi và sư trụ trì không cho dân biết di tích đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc chặt cây, phá tường là để phục vụ việc mở rộng đường, phục vụ việc phát triển nông thôn mới.

 

Phóng viên hỏi: Bây giờ ông biết di tích đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi thì ông thấy việc chặt cây phá tường của người dân là đúng hay sai? Ông Tám đáp: “Đến bây giờ tôi cũng chưa biết cái giấy ấy như thế nào? Nếu có cái giấy ý thì tôi sẽ họp dân lại để thu hồi. Vì từ trước đến nay cái sân ấy là sân chơi của toàn dân. Hôm xã mời tôi và sư ra trụ sở làm việc, sư cứ nói TP Hà Nội đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích, thì phải thế nọ thế kia. Thế chúng tôi là lãnh đạo thôn do dân bầu ra thì không có tác dụng nữa à?”.

 

Cây ở chùa Vàng bị chặt phá.

Ông Tám cũng cho biết: Kinh phí chi cho công việc là từ quỹ của dân. Hết bao nhiêu ông không biết.

Phóng viên đến UBND xã Cổ Bi, gặp ông Đào Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã. Ông Tuyến nói có biết vụ việc nhưng thẩm quyền trả lời báo chí thuộc Chủ tịch xã. Vì không gặp được Chủ tịch xã nên phóng viên trao đổi qua điện thoại. Ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch UBND xã Cổ Bi nói đã biết sự việc và đã có báo cáo gửi huyện Gia Lâm. Phóng viên đề nghị được gặp trực tiếp làm việc nhưng ông Phước nói đang họp nên sẽ nhắn tin hẹn sau.

Qua một ngày không thấy ông Phước nhắn tin lại nên phóng viên đăng ký lịch làm việc với Chủ tịch xã Cổ Bi qua nhân viên văn phòng. Nhân viên này nói: Chủ tịch giờ rất bận, đang chuẩn bị cho bầu cử sắp tới. Phóng viên nói: Đề nghị chị cứ báo cáo lại Chủ tịch. Với vị trí Chủ tịch xã công việc rất nhiều nhưng không phải cứ kêu bận rồi để cho người dân tự ý phá hoại di tích trên địa bàn mình quản lý.

 

Được biết, vào hồi 17h ngày 22/1/2021, tức là sau khi vụ việc người dân chặt cây, phá tường đã diễn ra thì ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch UBND xã Cổ Bi có chủ trì cuộc họp mời các ban ngành của UBND xã, sư trụ trì chùa Vàng Thích Thanh Tâm.

Tại cuộc họp, có ghi ý kiến của ông Nguyễn Hữu Tám đề nghị sư Thích Thanh Tâm ủng hộ chính quyền địa phương trong việc mở rộng đường. Sư Thích Thanh Tâm có nêu di tích đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên việc chặt cây phá tường là phá hoại di tích, nhà chùa đã có văn bản báo cáo UBND xã.

Biên bản có ghi ý kiến kết luận cuộc họp của người chủ trì: “Buổi làm việc hôm nay không đạt được mong muốn của UBND xã cũng như đại diện nhân dân thôn Vàng; Đề nghị cán bộ thôn và nhân dân thôn Vàng giữ nguyên hiện trạng của chùa Vàng, không được phát sinh vi phạm mới”.

 

Phóng viên liên lạc với ông Lê Anh Quân, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm. Ông Quân nói đã nắm bắt sự việc.

Như vậy, với lối suy nghĩ của ông Nguyễn Hữu Tám – Trưởng thôn Vàng – Trưởng ban quản lý di tích thì không lẽ cứ lấy cớ không biết di tích có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nằm trong khu vực bảo vệ di tích là được phép xâm hại? Rồi không lẽ cứ lấy cớ mở rộng đường để phục vụ nông thôn mới trong khi không có phê duyệt của lãnh đạo huyện Gia Lâm, lãnh đạo xã Cổ Bi là được tự ý phá tường, chặt cây làm đường?

Phải chăng chính vì lối suy nghĩ ấy mà sau khi có cuộc họp ngày 22/1/2021, nhưng đến ngày 6/2/2021, người dân lại tự ý san lấp cát vào những thùng vũng ở khoảng đất lấn vào phía trong không giữ nguyên hiện trạng?

Về phía lãnh đạo xã Cổ Bi, chính họ là người làm các thủ tục ban đầu để khoanh vùng bảo vệ di tích, cũng như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích. Chắc chắn họ biết việc làm chặt cây, phá tường là phá hoại di tích. Vậy thì việc chưa xử lý các sai phạm xâm hại di tích kể trên là do buông lỏng quản lý hay đồng lõa?                    

 

Chia sẻ