Phát triển hạ tầng số và công nghệ số nền tảng cho đô thị thông minh

23/10/2020

 

Là chủ đề hội thảo Chuyên đề 2 trong khuôn khổ “Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh ASEAN năm 2020” do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng chủ trì tổ chức ngày 22/10 tại Hà Nội.

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam đang hướng đến mục tiêu rất rõ ràng, đó là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân từ nhu cầu đơn giản nhất cho đến cao cấp hơn trong tất cả các lĩnh vực, làm sao cho cuộc sống thuận tiện hơn, giảm ách tắc giao thông, phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ hơn.

 

Phát triển hạ tầng số và công nghệ số nền tảng cho đô thị thông minh

 

Năm 2020, khi các quốc gia khác chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 thì ở Việt Nam, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ số, hạ tầng viễn thông đã đóng góp tích cực trong việc phòng, chống dịch cũng như giúp người dân có cuộc sống bình thường trong cả giai đoạn giãn cách xã hội và sau đó.Sau nhiều năm nỗ lực đưa vào triển khai chuyển đổi số, triển khai họp trực tuyến, học trực tuyến rất khó khăn, tuy nhiên chỉ trong vòng 2 tháng khi đại dịch Covid-19 xảy ra, toàn bộ học sinh, sinh viên trên toàn quốc đã triển khai học trực tuyến.

 

Điều này thể hiện sự phát triển rõ rệt của hạ tầng viễn thông của Việt Nam cũng như ứng dụng các nền tảng công nghệ số tại Việt Nam.Trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự phát triển công nghệ số giúp cho chúng ta phát triển không chỉ riêng khu vực đô thị mà còn phát triển khu vực nông thôn một cách thông minh hơn.

 

Ở Việt Nam có khái niệm đô thị thông minh, làng thông minh, nghĩa là công nghệ thông tin không chỉ ứng dụng vào khu vực hiện đại nhất mà còn ứng dụng được vào các khu vực kể cả vùng sâu, vùng xa.Trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong 2 tuần vừa qua, Việt Nam đang trải qua giai đoạn rất khó khăn khi các tỉnh miền Trung sau khi vừa trải qua đợt dịch Covid-19 thì nay lại phải đối mặt với lũ lụt, nhiều gia đình phải di tản và mất sạch nhà cửa. Hiện tại thì công nghệ thông tin đang đóng góp cho công việc liên quan đến hỗ trợ, cứu trợ.

 

Các địa chỉ, các hộ gia đình bị ảnh hưởng của lũ lụt được đưa lên bản đồ số Việt Nam, thông qua đó làm cho công việc cứu trợ thuận lợi hơn…Hội thảo là diễn đàn hữu ích giúp các cơ quan tham mưu của Đảng, các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp thảo luận về định hướng, các giải pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng số và công nghệ số nền tảng cho đô thị thông minh.

 

Từ đó, hoàn thiện khung kế hoạch, hệ thống pháp lý, nâng cao năng lực quản lý, cải thiện chất lượng cuộc sống, phát huy hiệu quả các hoạt động và dịch vụ của đô thị.Tại hội thảo, các diễn giả trong và ngoài nước đã trình bày tham luận liên quan đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) & IoT trong xây dựng thành phố thông minh (Qualcomm); Hạ tầng số – Xương sống trong phát triển đô thị thông minh (McKinsey); Một số nền tảng và ứng dụng thúc đẩy chuyển đổi số trong đô thị thông minh tại Việt Nam (VNPT); Xây dựng đô thị thông minh với công nghệ điện toán đám mây (Amazon Web Services); Giải pháp IoT toàn diện thông minh (Bosch); Thiết lập và vận hành hệ thống dữ liệu tích hợp mở cho đô thị thông minh (HPE).

 

Phát triển hạ tầng số và công nghệ số nền tảng cho đô thị thông minh

Phiên thảo luận cũng đã tập trung vào một số nội dung gồm: Phát triển nền tảng dùng chung cho phát triển đô thị thông minh và Chính phủ điện tử; xây dựng kiến trúc dữ liệu và hệ thống dữ liệu liên thông; tổ chức thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu cho thành phố; chiến lược phát triển mạng wifi cho đô thị thông minh; trung tâm điều hành tập trung đô thị thông minh; các ứng dụng và giải pháp công nghệ quản lý hạ tầng đô thị thông minh…

 

 

Chia sẻ