Quy hoạch Đà Nẵng hướng đến phát triển thông minh và bền vững

 

20 năm trở thành thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã nổi lên như là một “hiện tượng” về phát triển đô thị. Từ một đô thị nhỏ bé, không gian đô thị chỉ gói gọn trong phạm vi các quận Hải Châu, Thanh Khê và một phần các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, tương ứng với diện tích khoảng 5.600 ha. Đến nay, ranh giới đô thị đã lên tới khoảng gần 20.000 ha, gấp hơn 3 lần ranh giới cũ trong vòng 15 năm. Hơn 100.000 hộ dân di dời giải toả để tạo nên những khu dân cư mới với hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế- xã hội- văn hoá, từ đó chất lượng sống của người dân cũng được nâng lên đáng kể.

 

Đây có thể coi là giai đoạn 1 trong mô hình phát triển của thành phố, tức là giai đoạn ngắn hạn để có thể giải quyết các vấn đề bức thiết xã hội và hạ tầng, kích thích đô thị phát triển. Còn giai đoạn 2 với tầm nhìn dài hơn sẽ phải định rõ chiển lược phát triển sâu và bền vững hơn.

 

Từ những bất cập quy hoạch đô thị

 

Kiến trúc sư Hoàng Sừ  cho rằng hiện tại các đồ án quy hoạch của thành phố đều chọn phát triển theo hướng thấp tầng và đô thị sinh thái. Các quy hoạch chi tiết thiên về phân lô nhỏ, khai thác tối đa đất đai tràn lan, lãng phí đất nhưng lại dẫn đến gần như  cạn kiệt quỹ đất dự trữ. Đồng thời, Đà Nẵng dần đánh mất cơ hội tổ chức không gian  kiến trúc Sông-Biển …

 

Quy hoạch Đà Nẵng hướng đến phát triển thông minh và bền vững

 

Đồng cái nhìn với KTS Hoàng Sừ, TS.KTS Tô Văn Hùng (Trưởng ban đô thị HĐND thành phố) thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong tổ chức kiến trúc cảnh quan đô thị Đà Nẵng. Nguy cơ suy giảm về môi trường sinh thái, giảm đa dạng sinh học, đánh mất chất lượng và giá trị cảnh quan đô thị, hệ thống quy hoạch không bắt kịp với sự chuyển đổi  đô thị nhanh chóng  và đặc biệt là thiếu sự tích hợp không gian xanh vào quy hoạch đô thị … là những vấn đề bất cập trong quy hoạch đô thị Đà Nẵng.

 

Trong một bài viết, KS. Dương Bình An- một người gắn bó với quy hoạch thành phố đã không ngại ngần đề cập đến những “lỗi” quy hoạch mà thành phố đã mắc phải trong quá trình đô thị hoá quá nhanh. Đó là những con đường sát mép biển như tuyến Nguyễn Tất Thành, tuyến Sơn Trà-Điện Ngọc (nay là đường Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa) đã làm mất đi những mảnh đất vàng và hệ sinh thái là dải phi lao phòng hộ ven biển. Đó là các dự án đô thị mang tên là sinh thái nhưng cách ứng xử với nó thì không hề là sinh thái. 

                                                                 

Quy hoạch đô thị là các hoạt động kiểm soát hay tổ chức môi trường sống đô thị  là thể hiện tầm nhìn phát triển không gian sống cho tương lai. Xây dựng một công trình, dù lớn đến mấy, nếu có sai sót và không phù hợp thì có thể sửa chữa, thậm chí đập đi xây lại, nhưng nếu quy hoạch có lỗi thì việc sửa chữa là hết sức khó khăn. Mỗi đô thị có một vị trí địa lợi và điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội khác nhau. Việc quy hoạch  phải biết phát huy đầy đủ mọi lợi thế, tạo nên một cấu trúc phát triển hài hoà là hết sức quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là quá trình kiểm soát phát triển đòi hỏi phải có những chiến lược thích hợp với từng giai đoạn , vừa cần những khung đột phátạo sức bật cho thành phố phát triển nhưng cần thận trọng trong khai thác những tài nguyên quý hiếm của chính mình, và dự trữ tài nguyên cho tương lai

 

Đến tầm nhìn nào cho quy hoạch Đà Nẵng

 

Tầm nhìn và mô hình phát triển tương lai của Đà Nẵng? Công cụ nào giúp cho lãnh đạo thành phố lập quy hoạch phát triển và quản lý thành phố theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững? Đó là những trăn trở đối với rất nhiều người gắn bó máu thịt với mảnh đất này.

 

Với dự báo phát triển đến năm 2030, dân số Đà Nẵng là 2 triệu người và đến năm 2050 là 3 triệu người  trong khi quỹ đất đô thị  rất hạn hẹp, theo KTS Hoàng Sừ, thành phố nên lựa chọn mô hình  đô thị nén, tức là đô thị phát triển theo chiều cao, dành nhiều đất cho cây xanh và hạ tầng đô thị , đặc biệt cần xác định những vùng đất dự trữ phát triển cho tương lai. Ông đề xuất giải pháp không gian để “lồng” một “siêu đô thị”  mới (quy mô khoảng 1 triệu dân) vào long đô thị cũ, nối biển bắc vào biển Đông, nối sông, nối biển , nối cũ, nối mới tạo nên một Đà Nẵng xứng tầm khu vực và châu Á. Và “siêu đô thị” mới này được xác định là khu vực từ quảng trường phía Bắc biển Thanh Bình kéo vào khu sân bay Đà Nẵng với diện tích khoảng 500ha, sẽ là trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng cao tầng, cao cấp … vệt đô thị này sẽ kéo tiếp qua trung tâm cao tầng tại khu Hoà Xuân, Hoà Tiến, vượt qua ngã ba xong nhập vào khu sân bay Nước Mặn, để làm thành khu tập trung của trung tân hành chính, trung tâm dịch vụ mới.

 

Quan tâm đến việc bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển b.ền vững là ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị. KTS Tô Văn Hùng  đề xuất 7 nguyên tắc tổ chức kiến trúc cảnh quan đô thị  trên cơ sở tổng hợp hệ thống lý thuyết  về kiến trúc cảnh quan tiên tiến trong và ngoài nước, bao gồm: gìn giữ sự đa dạng sinh học, thiết kế hài hoà với các nguyên tắc của tự nhiên, bảo đảm tính gắn kết giữa các nhân tố cảnh quan, phát triển đô thị ở mức phù hợp với “ngưỡng” của môi trường, tăng cường kết nối không gian cảnh quan bằng các giải  pháp giao thong “xanh” , duy trì hành lang xanh, mảng xanh và hồ điều hoà trong đô thị và lựa chọn cơ cấu phát triển, ưu tiên các mô hình kinh tế xanh.

 

Quy hoạch Đà Nẵng hướng đến phát triển thông minh và bền vững

 

Còn PGS.TS.KTS Đỗ Tú Lan (nguyên Phó cục trưởng cục Phát triển đô thị – Bộ Xây dựng)  đặt vấn đề về sự công bằng xã hội và hệ sinh thái nhân văn xã hội trong quy hoạch để hướng tới một môi trường sinh thái xã hội nhân văn bền vững của thành phố. Theo bà, quy hoạch thành phố cần phải được nghiên cứu  để tạo được nhiều không gian giao tiếp cộng đồng có quy mô và điều kiện thích hợp, sẽ là những điểm thu hút cho người dân và du khách được kết nối, hội tụ, trao đổi văn hoá, văn minh thế giới. Cũng như ý kiến của nhiều chuyên gia khác, KTS Đỗ Tú Lan cho rằng thành phố không nên cho phát triển quá nhiều những resort biệt lập ven biển, lấp hết những bãi biển dành cho người dân thành phố, những người đầu tiên phải được thu hưởng những tài nguyên sinh thái của xứ sở mình. Đồng thời, bà cũng lưu ý nên xây dựng quy hoạch thành phố trong bối cảnh sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Những năm gần đây, chính quyền thành phố đã rất tích cực tiếp cận với nhiều mô hình  phát triển đô thị với sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đến các bài học kinh nghiệm, các mô hình như thành phố thông minh (Smart City), thành phố xanh (Green City), thành phố đáng sống (Livable City), thành phố sinh thái (ECO City), thành phố các bon thấp (Low Carbon City) … Mỗi mô hình đều có những mặt tiên tiến và cần thiết cho thành phố với những mục tiêu tiếp cận cụ thể nhưng đều hướng đến một mục tiêu chung là phát triển bền vững.

 

Lựa chọn những giải pháp thông minh, tích hợp một cách hiệu quả, thận trọng trong phát triển khai thác, đồng thời với giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, tạo một môi trường sống tốt cho hiện tại và tương lai, phải là tôn chỉ mục tiêu hướng tới của quy hoạch và cũng không chỉ là quy hoạch thành phố.

 

Chia sẻ