Sau cả thập kỷ, tòa nhà Diamond Rice Flower vẫn “nằm trên giấy”?

23:19 | 07/04/2021

 

Được giới thiệu là siêu khách sạn hoành tráng bậc nhất Việt Nam nhưng đến nay, tòa nhà Diamond Rice Flower của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) vẫn chỉ “nằm trên giấy”. Lô đất xây dựng dự án hiện vẫn là bãi đất trống khiến không ít người đi qua cảm thấy vô cùng xót xa.

 

Dự án Tòa nhà Diamond Rice Flower của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) hiện vẫn chỉ là bãi đất trống.

Được biết, siêu dự án khách sạn Lotus Hotel (nay là Diamond Rice Flower) được quy hoạch trên khu “đất vàng” nằm cạnh Trung tâm hội nghị Quốc gia trên mặt đường Phạm Hùng có diện tích hơn 4,2 ha. Theo giới thiệu từ phía Chủ đầu tư, tổ hợp này gồm một tòa khách sạn 100 tầng cao 400m, một tòa 80 tầng cao 320m và một tòa nhà 15 tầng, được xem là dự án khách sạn cao nhất tại Việt Nam.

 

Được triển khai cùng thời điểm với các siêu khách sạn khác tại Hà Nội như Keangnam Hanoi Landmark Tower, Grand Plaza… Lotus Hotel được kỳ vọng sẽ hoàn thành vào dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội (năm 2010). Tuy nhiên, trong khi những khách sạn khác đều đã đi vào hoạt động từ rất lâu, Lotus Hotel vẫn chỉ là dự án “nằm trên giấy”.

Ban đầu, siêu khách sạn này thuộc về Tập đoàn Riviera của Nhật Bản. Tuy nhiên, đầu năm 2009, đơn vị trên bất ngờ xin rút khỏi dự án do gặp nhiều khó khăn về tài chính. Thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư ngỏ ý muốn trở thành chủ đầu tư của dự án tầm cỡ này. Cuối cùng, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) đã được UBND Thành phố Hà Nội bàn giao làm chủ đầu tư với tổng vốn dự kiến 500 triệu USD.

 

Sau khi thâu tóm dự án, Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc đã lựa chọn Foster and Partners là nhà thầu thiết kế. Dự án sau đó được điều chỉnh vốn đầu tư lên tới gần 1 tỷ USD, tiêu chuẩn 6 sao để xứng tầm với vị trí đắc địa bậc nhất Hà Nội.

Tuy nhiên, phải 6 năm sau, đến tháng 5/2016, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc mới thành lập Công ty TNHH MTV Phát triển khách sạn Hoa Sen (Công ty Hoa Sen) để thực hiện siêu dự án khách sạn này. Thời điểm đó, dự án lấy tên mới là Diamond Rice Flowe.

 

Lúc mới thành lập, Công ty Hoa Sen có vốn điều lệ 145 tỷ đồng. Mức vốn này được đánh giá là quá nhỏ bé so với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD của dự án. Một năm sau đó, chưa có bất kỳ hạng mục nào của siêu khách sạn được triển khai.

Cuối tháng 5/2017, KBC bất ngờ tăng vốn điều lệ cho Công ty Hoa Sen lên 1.500 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần ban đầu. Nhiều người tin rằng đây chính là động thái để khởi động siêu khách sạn 100 tầng nói trên. Tuy nhiên, ngày 20/6/2017, KBC bất ngờ thông báo hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Hoa Sen cho đối tác là Công ty Cổ phần Đầu tư Mặt trời mọc.

Theo khảo sát của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, tại thời điểm hiện tại, chưa có hạng mục nào được xây dựng. Toàn bộ diện tích dự án đã được quây tôn, bên trong vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc, một số chỗ được người dân tận dụng để trồng rau, tập kết vật liệu xây dựng. Chưa biết đến lúc nào dự án mới được khởi công xây dựng?

 

Kiến trúc của tòa tháp đôi có phối cảnh là biểu tượng hình bông lúa

Đầu tháng 3/2021, HĐND Thành phố Hà Nội đã có quyết định thành lập Đoàn giám sát để tái giám sát tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn. Đoàn do bà Phùng Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố làm Trưởng đoàn, sẽ làm việc trực tiếp với các Sở: Tài nguyên & Môi trường, Kế hoạch & Đầu tư, UBND các quận, huyện có dự án chậm triển khai và giám sát, khảo sát trực tiếp một số dự án chậm triển khai, chậm khắc phục vi phạm.

 

Việc giám sát nhằm đánh giá kết quả thực hiện kết luận giám sát HĐND Thành phố Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố; Tiến độ, kết quả xử lý các vi phạm và làm rõ các tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc, nguyên nhân của hạn chế trong tổ chức thực hiện xử lý vi phạm. Từ đó đề xuất, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nhằm sử dụng đất hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô và báo cáo kết quả giám sát với HĐND Thành phố Hà Nội.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần kiên quyết hơn trong việc thu hồi các dự án chậm triển khai.

Trước đó, tháng 7/2018, HĐND Thành phố đã có Văn bản số 57 báo cáo kết quả giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Trong đó, HĐND Thành phố tổng hợp từ báo cáo của 8 quận, huyện giám sát trực tiếp, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố và đã liệt kê ra rất nhiều dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai. Trong số các dự án chậm tiến độ này, có tên khách sạn Hoa Sen của Kinh Bắc. Cụ thể, dự án của Kinh Bắc đã được giao hơn 4 ha đất từ đầu năm 2010. Tuy nhiên, hiện trạng vẫn là đất trống. Thời điểm đó, dự án cũng chưa có văn bản gia hạn thời gian thực hiện. Phương án đề xuất xử lý của địa phương đối với dự án này là thu hồi.

 

Có thể thấy, dự án bỏ hoang không phải vấn đề mới mà đã tồn tại từ hàng chục năm nay. Để xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân: Trong thời điểm thị trường bất động sản sôi động, chủ đầu tư triển khai dự án rầm rộ nhưng khi trầm lắng, doanh nghiệp bỏ đất chờ thời cơ. Rồi bắt nguồn từ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và trong khi dự án bắt đầu triển khai còn buông lỏng, chưa có chế tài mạnh. Tiếp đó là sự thay đổi về nhiều chính sách, trong đó có chính sách giải phóng mặt bằng, nhiều chủ đầu tư khó huy động vốn, kêu gọi đầu tư. Thậm chí, có những chủ đầu tư đã cố tình lợi dụng kẽ hở trong các quy định để lách luật, liên tục đề nghị điều chỉnh quy hoạch để lợi dụng, chậm đưa đất dự án vào triển khai.

 

Theo quy định của Luật Đất đai, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án chậm triển khai trên địa bàn Thành phố Hà Nội bị thu hồi hiện nay rất ít.

Một số chuyên gia cho rằng, việc xử lý các dự án “treo” tại Hà Nội cũng như các địa phương khác cần một chế tài phù hợp và kiên quyết hơn. Thay vì thu hồi đất thì tốt nhất nên có chế tài xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư. Theo cách này, ngân sách nhà nước vừa được lợi rất lớn trong khi đó, nhà đầu tư không có tiền nộp sẽ phải tự tìm cách chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác có năng lực để triển khai.

Để tránh tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên đất, dư luận mong chờ UBND Thành phố Hà Nội sẽ có biện pháp quyết liệt nhằm xử lý nghiêm tình trạng một số doanh nghiệp được cấp đất nhưng bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị.

 

Chia sẻ