Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công

24/11/2020

 

Các dự án đầu tư công năm 2021 của Hà Nội sẽ được rà soát, thẩm định kỹ, bảo đảm tổng mức đầu tư sát thực tế, xác định rõ thứ tự ưu tiên từ nhu cầu đầu tư của các cấp, ngành và địa phương. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền để làm rõ thêm về việc xây dựng kế hoạch, bảo đảm sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công năm 2021 và giai đoạn tới.

 

Đến tháng 11-2020, thành phố Hà Nội đã giải ngân được 22.354,5 tỷ đồng vốn đầu tư công. Trong ảnh: Tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai) – một trong những công trình sử dụng vốn đầu tư công, đã được đưa vào sử dụng tháng 10-2020

– Phân bổ vốn, giao kế hoạch có ý nghĩa quan trọng đối với việc sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Xin ông cho biết, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2021 và giai đoạn tiếp theo của Hà Nội có điểm gì mới?

– Trước hết, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công phải theo luật và các hướng dẫn của Trung ương, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Cùng với đó, việc phân bổ vốn, triển khai các dự án, chương trình phải phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn và thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội.

 

Tại cuộc làm việc mới đây giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự đảng UBND thành phố về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Kế hoạch đầu tư công năm 2021 của thành phố và một số nội dung về việc triển khai Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội”, Thường trực Thành ủy đã yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo rà soát từng dự án năm 2021, trên cơ sở đó thẩm định kỹ, nhất là tổng mức đầu tư phải sát thực tế; xác định rõ thứ tự ưu tiên từ nhu cầu đầu tư của các cấp, ngành.

 

– Cụ thể, việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư công cho các chương trình, dự án sẽ ưu tiên theo hướng nào, thưa ông?

– Như tôi đã nói, việc phân bổ vốn, xây dựng kế hoạch đầu tư công vẫn đang được rà soát, đánh giá. Dự kiến, kế hoạch chi tiết sẽ được hoàn thiện để Ban Cán sự đảng UBND thành phố báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trước khi trình HĐND thành phố tại kỳ họp tháng 12 sắp tới.

 

Nhưng trước hết, việc bố trí kế hoạch vốn là nhằm thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch của thành phố. Trong đó, vốn đầu tư công được tập trung cho chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng của thành phố có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội.

 

Với từng ngành, lĩnh vực, việc bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên như sau: Dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; các dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch; các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; các công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2021-2025… Chỉ đạo của Thường trực Thành ủy là cần tập trung những lĩnh vực quan trọng như các công trình liên kết vùng, hạ tầng khung, kết cấu hạ tầng giao thông trong đô thị; hạ tầng cho những huyện đang phấn đấu lên quận, hạ tầng công nghệ thông tin…

 

Ngoài ra, đối với một số lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, lĩnh vực phục vụ nhu cầu thiết yếu, giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc và có khả năng xã hội hóa, thành phố tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện để giảm áp lực cho đầu tư công.

 

– Một số giải pháp để bảo đảm hiệu quả trong triển khai đầu tư công giai đoạn tới là gì, thưa ông?

– Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo cụ thể về vấn đề này. Trong đó, các cơ quan, đơn vị phải vận dụng tối đa chính sách mới, như cho phép tạm ứng từ nguồn dự trữ tài chính hoặc áp dụng cơ chế giải phóng mặt bằng rút gọn…

 

Một nội dung được quán triệt rõ là không bố trí vốn cho chương trình, dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư công. Quá trình thực hiện dự án phải bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng; bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các cấp, ngành.

 

Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công

Định kỳ hằng quý, hằng tháng hoặc đột xuất, thành phố giao ban xây dựng cơ bản với các chủ đầu tư, UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan để kiểm điểm, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Điều quan trọng nhất là các đơn vị, chủ đầu tư phải luôn bám sát tình hình, nhận diện khó khăn và tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời; tận dụng thời gian để giải ngân vốn đầu tư công.

 

– Ông có thể cho biết kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020?

– Tính đến ngày 10-11, toàn thành phố đã giải ngân được 22.354,5 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 51,1% kế hoạch thành phố giao và bằng 57,5% kế hoạch Trung ương giao. Hiện, thành phố đang chỉ đạo sát sao từng dự án cụ thể; đồng thời 6 tổ công tác liên ngành đang kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án để bảo đảm việc sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công.

– Trân trọng cảm ơn ông!

 

Chia sẻ