Thanh Hóa: Bỏ không bến cá hơn 43 tỷ đồng

06:54 05/04/2021

 

Được đầu tư hơn 43 tỷ đồng, bến cá Hoằng Phụ nằm ở cửa lạch Trào, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) với mục tiêu phục vụ cho ngư dân và các dịch vụ hậu cần nghề cá cho người dân địa phương và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, do cửa lạch Trào bị bồi lắng nghiêm trọng, tàu thuyền lớn không thể ra vào, nên trong nhiều năm qua, bến cá này gần như bỏ không.

 

“Đắp chiếu” dự án khủng

 

Được phê duyệt từ tháng 11/2012, đến năm 2017, bến cá Hoằng Phụ được bàn giao và đi vào hoạt động. Mục tiêu của bến cá tạo điều kiện thuận lợi cho việc bốc dỡ, sơ chế, bảo quản và làm dịch vụ cho khoảng 5.400 tấn thủy sản/năm; cung cấp dịch vụ hậu cần phục vụ đánh bắt kết hợp với neo đậu, trú bão cho tàu thuyền nghề cá ven bờ. Tuy nhiên, cũng từ đó đến nay, bến cá này gần như nằm trong tình trạng “đắp chiếu” vì không có các tàu thuyền vào hoạt động. Hậu quả là các hạng mục dần xuống cấp, hư hỏng và rơi vào hoang tàn.

 

Ông Nguyễn Văn Hiên, trú tại thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ cho biết: Từ khi bến cá được hoàn thiện đến nay, hình như nó chưa một ngày được sử dụng đúng công năng thiết kế. Mỗi ngày chỉ có lác đác vài bè mảng khai thác ven bờ của ngư dân địa phương vào ra. Còn tàu lớn thì không thấy.

“Là người địa phương, chúng tôi đã hết sức vui mừng khi dự án nâng cấp bến cá được phê duyệt. Tuy nhiên như các anh thấy đấy, cửa lạch bị bồi lắng nghiêm trọng, thuyền lớn nào dám vào đây neo đậu, giao thương? Cái này theo tôi Nhà nước phải tính toán lại, chứ bỏ không cả một công trình như thế thì lãng phí lắm, ông Hiên tiếc rẻ nói.

 

Thanh Hóa: Bỏ không bến cá hơn 43 tỷ đồng

Theo quan sát của phóng viên, sự xuống cấp của bến cá đã thể hiện ngay từ cửa dẫn vào khu nhà điều hành và dịch vụ. Cột cổng tróc lở, cánh cửa sắt hoen gỉ. Trong khu nhà điều hành, nhiều đoạn tường nứt toác, nham nhở vôi ve, các cửa chớp kính đã bị vỡ và biến mất từ lâu, chỉ còn trơ lại các khung học, khu nhà vệ sinh ngập rác thải và mạng nhện giăng mắc khắp nơi.

 

Trao đổi với chúng tôi về tình cảnh của dự án có tổng mức đầu tư lên đến hơn 40 tỷ đồng đang bỏ không tại địa phương, ông Nguyễn Thanh Bình- Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ, cho biết: Bến cá được cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng là rất kịp thời trong bối cảnh Nhà nước đang chú trọng phát triển kinh tế biển. Thế nhưng ở đây, quá trình quản lý, sử dụng bến cá là không hiệu quả. “Hiện tại, một số hạng mục của công trình đã xuống cấp nhưng không có nguồn kinh phí để khắc phục lại. Nhưng theo tôi, tỉnh nên có giải pháp khác cho bến cá này. Còn nếu tiếp tục đổ kinh phí vào sửa chữa rồi lại để đấy thì chẳng khác nào “đem muối bỏ bể””, ông Bình nói.

 

Nên có giải pháp kịp thời

 

Tìm hiểu thêm từ phía chính quyền địa phương, được biết: Tháng 11/2012 UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 3717/QĐ-UBND phê duyệt Tiểu án Đầu tư xây dựng công trình: Nâng cấp bến cá Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, thuộc Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, tỉnh Thanh Hóa từ vốn vay WB, vốn đối ứng và nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

 

Chủ đầu tư là Sở NNPTNT với tổng mức đầu tư dự án  46,079 tỷ đồng, trên diện tích đất sử dụng là 5,2ha. Đến ngày 30/5/2016, Tiểu dự án bến cá Hoằng Phụ được điều chỉnh với tổng mức đầu tư xuống còn 43,633 tỷ đồng. Năm 2017 thì công trình được hoàn thành, bàn giao cho UBND xã Hoằng Phụ quản lý, khai thác sử dụng.

Theo người dân, nguyên nhân chính dẫn đến cảng cá bị “vô hiệu hóa” trong nhiều năm qua là do cửa lạch Trào bị bồi lắng nghiêm trọng, dẫn đến các tàu cá cỡ trung bình và lớn không thể lưu thông. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch xã Hoằng Phụ cũng cho biết: Do việc bồi lắng ở cửa lạch là nguyên nhân dẫn đến việc số lượng tàu thuyền không vào bến cá được vì nếu vào thì sẽ bị mắc cạn không thể ra khiến cho bến cá hoạt động không đạt hiệu quả.

 

“Từ khi đưa vào hoạt động chỉ có một số tàu thuyền nhỏ của địa phương neo đậu trong bến cá. Để khắc phục tình hình, năm 2018, xã đã chi ra hơn 1 tỷ đồng để nạo vét lạch nhưng cũng không mang lại hiệu quả!”, ông Bình khẳng định.

Cũng theo ông Bình, một nguyên nhân khác dẫn đến bến cá hoạt động không hiệu quả là do lâu nay tàu thuyền của địa phương chủ yếu neo đậu tại bến cũ ở thôn Bắc Sơn, Hợp Tân (dọc sông Cung) cách bến cá khoảng 2km. Đây là vị trí khá thuận tiện ra vào tàu thuyền và các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá. Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Cường, Trưởng phòng NNPTNT huyện Hoằng Hóa cho biết: “Hiện nay huyện cũng đang kiến nghị với tỉnh và đề xuất mời doanh nghiệp khác có đủ năng lực vào quản lý và phía UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã đồng ý chủ trương này. Tới đây, dự án sẽ được đấu thầu rộng rãi, công khai”, ông Cường cho biết thêm.

 

Chia sẻ