Trung tâm nông nghiệp 17 tỷ đồng bị ‘ghẻ lạnh’, Thanh Hóa loay hoay tìm giải pháp

04:03 01/04/2021

 

Trung tâm được đầu tư với số vốn 17 tỷ đồng từ chương trình tín dụng tài trợ nhằm làm nơi trưng bày nông sản, hỗ trợ đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, song không đạt hiệu quả.

 

Ghi nhận tại Trung tâm Phát triển nông thôn Thanh Hóa ở xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), một khu nhà lớn khang trang nhưng vắng bóng người, cửa đóng then cài, ở phía trong các căn phòng bụi phủ đầy sàn.

Công trình này được đầu tư xây dựng năm 2009 với số tiền hơn 17 tỷ đồng từ chương trình tín dụng tài trợ, do UBND huyện Hoằng Hóa làm chủ đầu tư và quản lý.

 

Thời điểm ban đầu, công trình nhằm mục đích làm nơi trưng bày, sơ chế, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đưa sản phẩm nông nghiệp đến đến tay người tiêu dùng.

Trung tâm được xây dựng trên diện tích gần 2ha, gồm các hạng mục: nhà trung tâm, nhà sơ chế rau quả, nhà kho chứa rau quả, kho lạnh, công trình phụ trợ và kinh tế hạ tầng…

 

Trung tâm thường xuyên cửa đóng then cài

Mặc dù đã đi vào hoạt động từ năm 2011, nhưng trung tâm hoạt động kém hiệu quả, không đạt được mục đích như ban đầu.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định chuyển giao Trung tâm phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa về trực thuộc Viện Nông thành lập Trung tâm Phát triển nông thôn Thanh Hóa.

 

Song từ đó đến nay, trung tâm vẫn thường xuyên cửa đóng then cài, hầu như bỏ hoang khiến nhiều hạng mục xuống cấp, lãng phí. Ngoài việc cho Công ty phân bón Tiến Nông thuê một phần mặt bằng, trung tâm không có hoạt động.

Dù không có hoạt động gì đáng kể nhưng trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh Thanh Hóa vẫn phải chi thường xuyên hơn 200 triệu đồng để trả lương cho 2 biên chế và hơn 600 triệu đồng cho trung tâm.

 

Theo ông Trịnh Mạnh Hào, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn quy hoạch và chiến lược phát triển nông nghiệp Thanh Hóa thì, từ năm 2017 trở về trước, mỗi năm có vài lần mở hội nghị xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu… tại trung tâm. Tuy nhiên từ năm 2018 đến nay chưa tổ chức sự kiện nào.

Ông Hào cũng cho biết thêm, với 600 triệu đồng chi thường xuyên trong những năm trước, Trung tâm sử dụng vào việc viết tạp chí, tổ chức tập huấn, kết nối khảo sát, lấy thông tin hợp tác xã… Dù không phát huy được tác dụng, nhưng gần đây Trung tâm vẫn làm báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin kinh phí hơn 2 tỷ đồng để sửa chữa các hạng mục xuống cấp.

 

Hạng mục có dấu hiệu xuống cấp

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa nói: Trước đây, Trung tâm do UBND huyện Hoằng Hóa quản lý. Sau đó được giao về ngành nông nghiệp để tái cơ cấu. Cho đến tháng 10/2020, UBND tỉnh mới giao về Viện nông nghiệp.

“Hôm nay UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo rà soát đối với nhiều cơ sở, trong đó có trung tâm nông nghiệp trên. Sau khi có ý kiến của các đơn vị, các ngành, nếu tỉnh tiếp tục giao trung tâm này về cho Viện thì chúng tôi sẽ có phương án để tái cơ cấu”, ông Hải cũng nói muốn sử dụng trung tâm làm nơi sơ chế sản phẩm, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, cao hơn là trở thành sàn giao dịch nông nghiệp.

 

“Chúng tôi cũng sẽ tìm doanh nghiệp có năng lực để cùng với Viện khai thác, làm sao để phát huy hiệu quả đúng với mục đích thành lập ban đầu của trung tâm. Nếu quyết tâm thì chắc sẽ được”, ông Hải trình bày thêm.

Về việc trung tâm có đề xuất xin kinh phí tu sửa, ông Hải cho rằng: “Đó là ý tưởng của anh em ở trung tâm. Cá nhân tôi chưa nghĩ đến chuyện xin hỗ trợ kinh phí mà trước mắt phải tính đển giải pháp để khai thác cho tốt”.

 

Chia sẻ