Yêu cầu báo cáo vi phạm xây dựng tại Tam Đảo

4/12/2020

 

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, yêu cầu báo cáo về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại thị trấn Tam Đảo.

 

Cụ thể, Văn phòng Chính phủ nêu lại thông tin báo chí phản ánh việc hàng trăm công trình, dự án, khách sạn lớn, homestay xây dựng không phép, sai phép kéo dài tại thị trấn Tam Đảo cho thấy tình trạng buông lỏng quản lý, thậm chí có dấu hiệu “quy hoạch chạy theo nhà đầu tư”, tiếp tay, làm ngơ của nhiều cán bộ có trách nhiệm thuộc thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo.

 

Yêu cầu báo cáo vi phạm xây dựng tại Tam Đảo

Trong khi đó, trao đổi trên Tiền phong, ông Bùi Hồng Đô, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, quan điểm của tỉnh là xử lý nghiêm các sai phạm trong xây dựng tại thị trấn Tam Đảo.

“Không có tình trạng phạt cho tồn tại mà phải thượng tôn pháp luật”, ông Bùi Hồng Đô nói.

Về phía Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Đức Tài, Giám đốc Sở cho biết, đang tổng hợp ý kiến để gửi báo cáo đúng kế hoạch.

Liên quan tới việc này, Báo Đất Việt trước đó đã đưa tin, Vĩnh Phúc đã có Quyết định Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội huyện Tam Đảo, nhưng  ngay sau quy hoạch này tình trạng xây dựng tràn lan, mạnh ai nấy làm cũng rầm rộ diễn ra.

Những siêu khách sạn liên tục được xây dựng với quy mô gần chục tầng, diện tích sàn lên đến hàng chục nghìn m2, sừng sững trên các tuyến đường dẫn lên Tam Đảo như Thác Bạc, đường lên Đền Bà Chúa Thượng Ngàn… đe dọa nghiêm trọng tới cảnh quan nơi này.

 

Thực trạng trên khiến nhiều chuyên gia lo ngại, xu hướng “bê tông hóa” Tam Đảo sẽ có nguy cơ đánh mất đi giá trị di sản của nơi này.

“Tam Đảo I bây giờ đã không khác Sapa, mật độ bê tông hóa quá mức, nhà hàng, khách sạn mọc lên san sát, rừng xanh bị đánh đổi, không theo tiêu chí phát triển bền vững chung.

 

Trong khi Tam Đảo II cũng đang xảy ra tình trạng đánh đổi rừng, làm cáp treo, xây khách sạn, rất đáng lo ngại.

Bài học từ rất nhiều khu du lịch chúng ta đã có rồi nhưng tình trạng phát triển du lịch tự phát, cấp phép tràn lan vẫn đang diễn ra.

 

Nên nhớ, Tam Đảo được ví như lá phổi xanh của Hà Nội, nếu phá đi để phát triển du lịch kiểu bê tông hóa, thiếu bền vững sẽ không bao giờ lấy lại được nữa”, vị TS Hà Thanh Hải – nguyên Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Du lịch Lăng Cô lo lắng.

Cùng quan điểm, KTS Ngô Doãn Đức, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, Tam Đảo quý giá không chỉ nhờ vào vị trí địa lý, cấu trúc địa tầng, địa chất đặc biệt mà đây còn là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, là kho dự trữ các nguồn gen động thực vật quý hiếm của nước ta.

 

Vì thế, người Pháp đã xây dựng khu nghỉ dưỡng lớn nhưng vẫn giữ nguyên được những đặc tính nguyên sơ của một vùng thiên nhiên đa đạng và thơ mộng. Đáng tiếc, gần đây vì mục đích kinh doanh, nhiều biệt thự xưa không còn, thay vào đó đã có thêm nhiều công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, khu vui chơi mới được xây dựng với mật độ cao, khiến Tam Đảo đang bị mất dần giá trị.

 

Yêu cầu báo cáo vi phạm xây dựng tại Tam Đảo

“Một điều ít người để ý chính là thiết kế khách sạn của người Pháp trên Tam Đảo được nghiên cứu và bố trí rất hợp lý.

Người Pháp đặc biệt hạn chế xâm phạm những khu thung lũng, ngược lại những khách sạn được treo trên sườn núi theo một bố cục kiến trúc rất rõ ràng, độc đáo, tạo điểm nhấn cho Tam Đảo. 

 

Tuy nhiên, bây giờ, xu hướng phát triển du lịch tự phát, cùng với việc buông lỏng quản lý đã khiến Tam Đảo bị phát triển lệch chuẩn. Tam Đảo đã phát triển khác, các dự án, nhà hàng, khách sạn được cài đan xen, hỗn độn. Sự luộm thuộm trong quy hoạch các dự án du lịch của Tam Đảo đã làm hỏng Tam Đảo, khiến Tam Đảo không còn giữ được những nét độc đáo riêng”, vị KTS tiếc nuối.

 

Đặc biệt phê phán việc xây dựng quy hoạch của một khu du lịch đặc thù như Tam Đảo, vị KTS cho rằng, phát triển du lịch tại Tam Đảo không thể chạy theo làm kinh tế, chạy theo kinh doanh dịch vụ để các dự án xây dựng phát triển tràn lan thay vào đó cần phải có phương án giữ gìn cảnh quan, bản sắc của khu vực này.

 

Chia sẻ